Đăng nhập/ Đăng ký
Tài khoản của bạn

Siêu trộm càn quét 'báu vật rượu vang' trong hầm rượu quý

Thấy rượu biến mất bất thường trong hầm, quản lý nhà hàng Atrio nín thở vào kiểm tra bộ sưu tập Château d'Yquem, loại rượu vang trắng được thèm muốn nhất trên trái đất.

Trong sự sợ hãi câm lặng, anh lướt qua những giá rượu, nhận ra, tất cả chai vang trứ danh từ thời Napoléon, đã biến mất. 45 chai rượu này, trị giá tới 1,7 triệu USD.

Tâm trí anh ta tua ngược một vòng rất nhanh và khựng lại ở cặp khách trung niên đặt phòng hôm trước. Tối 26/10, một vợ chồng trung niên bước vào sảnh khách sạn Atrio, một trong những khách sạn nhà hàng sang trọng nhất của Tây Ban Nha, đặt bàn ăn tối và phòng qua đêm. Họ không có hành lý, nói tiếng Anh khá tệ và không có sự trang nhã thường thấy của những vị khách hay bước vào đây.

Tuy nhiên, sau nhiều năm kinh doanh, Trưởng bộ phận lễ tân đã học được cách không đưa ra phán xét. "Nhiều người ăn mặc xuề xoà từng vào và thảnh thơi ăn những bữa tối kèm rượu vang 7.000 USD, không quên tặng cho chúng tôi một đống tiền tip", anh giải thích.

Nhưng tối đó, khi món khai vị nhỏ xíu trị giá tới 220 USD được trình bày hoàn hảo và mang tới bàn, vợ chồng này không giấu nổi sự ngạc nhiên. "Họ có vẻ cố tỏ ra thượng lưu, nhưng rõ ràng đã hơi thất bại. Atrio là nhà hàng 2 sao Michelin, họ phải biết mình đang gọi thứ gì", người quản lý nhớ lại tà áo nhăn nhúm và bộ tóc giả của nữ khách.

Họ đăng ký bằng hộ chiếu Thụy Sĩ, tự xưng là kiến trúc sư. Nhà hàng Atrio là một cung điện cổ kính hùng vĩ, luôn thu hút nhiều sự quan tâm từ cộng đồng thiết kế xây dựng. Nhưng thái độ của cặp "kiến trúc sư" này, ngay lập tức khiến người lễ tân nghi ngờ. "Tôi từng gặp nhiều kiến trúc sư. Tất cả đều nhìn nhà hàng của chúng tôi bằng con mắt chăm chú, trầm trồ, nhưng đôi vợ chồng này không thèm liếc dù nửa giây".

Sự nghi ngờ tăng lên gấp bội khi đầu bếp trưởng và ông Toño Perez, một trong những người sở hữu nhà hàng, tới bàn ăn của khách, chào hỏi như thường lệ. Khi biết thực khách là kiến trúc sư người Thuỵ Sĩ, ông Toño say sưa chuyện trò về Jacques Herzog, kiến trúc sư lẫy lừng của Thuỵ Sĩ, nhưng lạ thay, cặp đôi hoàn toàn không biết gì, tìm cách đáng trống lảng và lái câu chuyện sang chủ đề thời tiết. Ông Toño cùng đầu bếp cáo lui, song trong đầu còn nhiều thắc mắc.

Kết thúc bữa ăn và thanh toán hoá đơn khá lớn, bằng tiền mặt, lúc 23h30, hai vị khách sau đó chấp nhận lời mời tham quan hầm rượu huyền thoại của nhà hàng Atrio, được xếp vào loại hầm rượu lớn nhất thế giới, với 36.000 chai.

Người phục vụ dẫn đường cho họ vô cùng ngạc nhiên khi cuộc thăm quan chỉ diễn ra vài phút. Cặp đôi dường như không quan tâm đến rượu vang hay kiến trúc ấn tượng của hầm, một mái vòm dưới lòng đất bằng gỗ mới và đá cổ niên đại hàng trăm năm tuổi, được thiết kế theo kiểu đền Pantheon ở Rome. Hai vị khách sau đó lên lầu, về phòng nghỉ.

Lúc 0h50’ sáng 27/10, trợ lý nhà hàng chốt sổ về doanh thu buổi tối, tắt đèn hầm rượu và về nhà. Bốn mươi phút sau, nhân viên lễ tân ca đêm duy nhất trực tại khách sạn nhận cuộc gọi từ phòng của cặp đôi: Người phụ nữ đang cảm thấy buồn nôn vì bữa tối vừa dùng cách đó 2 giờ.

Nhân viên lễ tân giải thích nhà bếp đã đóng cửa, nhưng hứa chuẩn bị salad và một số trái cây, nên nữ khách chấp nhận. Nhiệm vụ chuẩn bị bữa ăn nhẹ này đã loại bỏ nhân viên này khỏi quầy lễ tân và các màn hình giám sát an ninh trong ít nhất 15 phút.

Khoảng 4 giờ sau, tức 5h30 phút cùng ngày, cặp đôi trả phòng, giao cho lễ tân một thẻ tín dụng trả trước để thanh toán. Người chồng khi này đang ôm hai túi hành lý căng phồng và vài chiếc lớn khác dưới sàn. Chàng lễ tân không quá để tâm, bởi không hề biết, trước đó, cặp khách đã check-in mà không hề có lấy một túi hành lý nào.

Điều bất thường cuối cùng đã mở ra vào lúc 13h hôm đó, khi người quản lý bước vào và nhận ra hầm rượu quý trống trơn. Khoảng 45 chai vang khác bị đánh cắp, trong đó có 30 chai Domaine de la RomanéeConti Burgundies, còn được gọi là DRC, có giá trị và độ hiếm rất lớn. Trong số đó, một số chai được niêm yết ở mức 50.000-68.000 bảng Anh. Tổng giá trị của vụ trộm, ước tính khoảng 1,25 triệu bảng Anh, tương đương 1,7 triệu USD.

"Nó tệ hơn cả việc bị mất tiền. Họ đã cướp đi một phần linh hồn của thành phố", chủ nhà hàng nói.

Cáceres được UNESCO công nhận là Thành phố Di sản thế giới từ năm 1986
Cáceres được UNESCO công nhận là Thành phố Di sản thế giới từ năm 1986. Ảnh: Erasmusmundus

Cáceres là một trong những thị trấn giàu có nhất ở châu Âu trong thế kỷ 16 và 17, nơi hiện nay còn sừng sững các tòa tháp và cung điện tráng lệ trải dài suốt đường chân trời. Đây còn là nơi Atrio lưu giữ bộ sưu tập rượu vang đáng giá nhất nước, trong đó có bộ sưu tập lớn nhất thế giới của dòng vang Château d'Yquem.

"Những loại rượu này giống như những viên ngọc quý của Cáceres, là một phần của lịch sử của thị trấn này", một trong những đồng sáng lập nhà hàng nói. Atrio được mở cửa vào năm 1986, dành được 2 sao Michelin, danh hiệu dành cho những nhà hàng tốt nhất thế giới.

Năm 2011, một chai Sauternes năm 1811 của họ đã được bán tại London với giá 75.000 bảng Anh, tương đương 100.000 USD. Mức giá cao nhất thế giới, từng được trả cho một chai rượu trắng, không qua đấu giá.

Niềm tự hào lớn nhất của hầm rượu Atrio là một chai Yquem năm 1806, được mua tại phiên đấu giá Christie's năm 2000 với giá 12.000 bảng Anh, số tiền lớn thời điểm đó. Trước khi bị đánh cắp, trong sổ quản lý của nhà hàng, nó được niêm yết với giá 295.000 bảng Anh, khoảng 392.000 USD.

Nhưng các chủ khách sạn chưa bao giờ có ý định bán những "bảo vật" này. Họ tự xem mình là người sưu tầm và bảo quản, tự hào khoe và kể. "Rượu vang hảo hạng không chỉ là một chất lỏng để uống. Nó bây giờ giống như một tác phẩm nghệ thuật", họ nói.

Cuốn sách 300 trang, thống kê danh sách hơn 36.000 chai rượu trong hầm của Atrio, hiện chi chít những vết gạch chéo, đánh dấu những chai rượu quý đa bị đánh cắp bằng chữ ROBADA, bị trộm
Cuốn sách 300 trang, thống kê danh sách hơn 36.000 chai rượu trong hầm của Atrio, hiện chi chít những vết gạch chéo, đánh dấu những chai rượu quý đa bị đánh cắp bằng chữ ROBADA, bị trộm. Ảnh: The Telegraph

Vào phòng của vợ chồng vị khách, cảnh sát thấy chiếc giường tuy đã xộc xệch, nhưng rõ ràng họ còn chưa đặt lưng. Tất cả khăn tắm đã biến mất. Cảnh sát suy luận, hai kẻ trộm đã sử dụng những khăn này để quấn những chai rượu, tránh rơi vỡ khi di chuyển.

Ban Chuyên án Tội phạm Hình sự Madrid được cử đến, dành 4 ngày tại khách sạn, rà soát hầm rượu và phòng của cặp đôi để tìm ADN và dấu vân tay, kiểm tra cảnh quay CCTV và phỏng vấn các nhân viên. Thẻ tín dụng trả trước đã được kiểm chứng và cho thấy không khớp với bất cứ hộ chiếu Thụy Sĩ nào, nghĩa là các hộ chiếu đều là giả.

Cảnh sát không loại trừ một người thứ ba đã đợi sẵn trong một chiếc xe hơi gần đó để trợ giúp tẩu thoát. Một chai rượu thường nặng khoảng 1,2 kg, tổng sức nặng của số chai rượu bị đánh cắp sẽ có thể lên tới hơn 60 kg.

Các dữ liệu camera cho thấy nam "kiến trúc sư" người Thuỵ Sĩ đã mở cả hai bộ cửa bảo mật của hầm rượu một cách nhành chóng, dường như sử dụng thẻ chìa khóa hoặc thiết bị điện tử nào đó. Chỉ một số nhân viên được ủy quyền mới có thẻ để mở, nhưng cũng có những thẻ chính mở được mọi cửa trong khách sạn.

Song các hệ thống như vậy có thể dễ bị tấn công, như nhiều video trên YouTube đã chứng minh, một số thẻ bảo mật kiểu này có thể được sao chép dễ dàng mà không cần gì hơn một chiếc điện thoại di động.

Một số chuyên gia về rượu xa xỉ cho rằng vụ trộm ở Atrio dù số lượng nhỏ nhưng có giá trị cao, có thể là một vụ trộm theo đơn đặt hàng, được lên kế hoạch bởi một chuyên gia về rượu.

"Những vụ trộm này được tổ chức bởi những người không chỉ quen thuộc với bộ sưu tập mà còn với chính căn hầm. Kẻ trộm không chỉ phải biết rượu ở đó mà còn phải biết những chai nào có giá trị nhất và chúng có thể được tìm thấy ở đâu trong hầm rượu", chuyên gia nhận định.

Với sự nổi tiếng và quý hiếm của những chai rượu bị đánh cắp, chuyên gia nói rằng những món đồ này hầu như không thể bán qua các kênh công cộng hợp pháp mà các đạo chích này đã có những người mua riêng.

Hiện, dù cuộc điều tra tiếp tục, song các chủ nhà hàng đã hầu như tắt hy vọng được gặp lại nhưng bảo vật của mình. Hy vọng lớn nhất của họ là bất kỳ ai có được những chai rượu đó, đặc biệt là Yquem 1806, thực sự biết cách trân trọng. "Nó là một viên ngọc để nâng niu chiêm ngưỡng, không phải để nốc cho say".

Báu vật lớn nhất của nhà hàng, chai vang Yquem năm 1806 trị giá tới gần 400.000 USD bị đánh cắp, để lại khoảng trống trên giá sưu tầm.
Báu vật lớn nhất của nhà hàng, chai vang Yquem năm 1806 trị giá tới gần 400.000 USD bị đánh cắp, để lại khoảng trống trên giá sưu tầm. Ảnh: The Telegraph

Tội phạm về rượu ngày càng gia tăng. Trên toàn cầu, ước tính, gian lận rượu đã khiến người mua và nhà sản xuất thiệt hại khoảng 530 tỷ USD trong hai thập kỷ qua.

Hải Thư (Theo The Telegraph) - Nguồn: vnexpress.net